Lượt xem: 833

Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành chương trình về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Chương trình số 33-CTr/TU, ngày 8/3/2023 thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng như sau:

 


Ảnh minh học. Nguồn tuyengiao.vn

 

    - Về Mục tiêu tổng quát

    Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông thôn toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

    - Về Mục tiêu cụ thể

    + Đến năm 2030

    Tốc độ tăng GRDP bình quân khu vực I (nông - lâm - thủy sản) đạt 4,25%/năm.

    Thu nhập bình quân đạt 124 triệu đồng/người/năm (5.368 USD).

    Phấn đấu cơ cấu GRDP khu vực nông nghiệp đạt 27%, công nghiệp và xây dựng đạt 36%, dịch vụ đạt 37%.

    Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 290 triệu đồng/ha.

    Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%.

    Tỷ trọng lao động nông nghiệp đạt 28,3%.

    Tỷ lệ che phủ rừng đạt 3%.

    Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 85%.

    Phấn đấu có 80 xã (đạt 100%) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40 xã (đạt 50%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 10 đơn vị (đạt 100%) huyện/thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

    + Tầm nhìn đến năm 2045

    Đến năm 2045, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, bền vững, có sức cạnh tranh cao, sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường và phát triển du lịch sinh thái, nông thôn.

    Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ, phát triển sinh kế đa dạng, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, bảo đảm cơ hội phát triển công bằng giữa nông thôn với thành thị và giữa các địa phương; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn văn minh, xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được bảo đảm.

    - Chương trình của Tỉnh ủy đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các cấp uỷ, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian tới:

    1. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn

    Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ cho nông dân và cư dân nông thôn để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

    Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm ổn định, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

    Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn. Thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển, dịch vụ cơ bản nông thôn. Thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ ở nông thôn. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm, khuyến khích, nâng nhanh tỉ lệ nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với các huyện, xã có tỉ lệ hộ nghèo cao. Tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc thiếu số thiếu đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống thu nhập người dân nông thôn.

    Phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất kinh doanh, khoa học - công nghệ; làm tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng gia đình văn hóa.

    2. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng hữu cơ, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng

    Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn sạch theo nhu cầu thị trường trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

    Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa, số hóa vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hạ tầng sản xuất nông nghiệp; phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.

    Về trồng trọt, quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo hướng linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ; khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ.

    Về chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh; tăng cường quản lý an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường; khuyến khích tổ chức sản xuất quy mô gia trại, trang trại theo chuỗi khép kín gắn với liên kết tiêu thụ. Chú trọng công tác lai tạo và phát triển các giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao. Quản lý chặt chẻ và tổ chức sản xuất chăn nuôi theo đúng quy hoạch. Xử lý nghiêm tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hoá chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

    Về thuỷ sản, tiếp tục phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch, nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả, nhất là các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát được dịch bệnh, dư lượng kháng sinh; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thuỷ sản bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia; kiên quyết không để xảy ra tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và dịch vụ nghề cá; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thủy lợi, điện phục vụ nuôi thủy sản.

    Về lâm nghiệp, tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát động phong trào trồng rừng theo quy hoạch và kế hoạch hằng năm. Phát triển kinh tế rừng, vừa làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, vừa tạo sinh kế, nâng cao thu nhập đời sống của người dân sống ở khu vực có rừng, quan tâm phát triển rừng ven biển, ven sông.

    Về diêm nghiệp, đầu tư nâng cấp hạ tầng, công nghệ, phát triển sản xuất, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối; có chính sách phù hợp bảo đảm sinh kế, nâng cao thu nhập cho diêm dân.

    3. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn

    Xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử ở nông thôn; quan tâm đầu tư nâng cấp chợ nông thôn đáp ứng nhu cầu người dân.

    Phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

    Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn đa dạng, đồng bộ, nâng cấp hệ thống chợ đáp ứng nhu cầu của người dân. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.

    4. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa

    Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Quy hoạch khu dân cư, công trình, nhà ở phù hợp truyền thống văn hóa, điều kiện thực tế từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn - thành thị; phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

    Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối nông thôn - đô thị; tập trung xây dựng, hoàn thiện, bảo trì hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch khu vực nông thôn từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị; khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung theo hình thức xã hội hóa; nâng cấp, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, đê sông, đê biển, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải. Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

    Huy động mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

    5. Tiếp tục triển khai chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

    Triển khai chính sách đất đai theo thẩm quyền; tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Thực hiện chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất phù hợp, tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

    Thực hiện tốt các chính sách tín dụng của Nhà nước cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi; phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cung cấp tín dụng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, nhất là với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; ngăn chặn, xử lý nghiêm tín dụng đen; tiếp tục triển khai chính sách phát triển trang trại, kinh tế hộ, kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã; tiếp tục triển khai các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

    6. Tiếp tục ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn

    Đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp theo chuỗi ngành hàng.

    Hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ thành lập các vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và kết nối cung - cầu; đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

    Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số toàn diện ngành nông nghiệp, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp về đất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh kết nối liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành bảo đảm hiệu quả công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

    Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn các kỹ năng về nông nghiệp, chuyển đổi số, công nghệ sinh học đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tư nhân tham gia đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động ở nông thôn.

    7. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai

    Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh. Quy hoạch sử dụng đất nông thôn gắn kết với phát triển đô thị, khai thác và phát huy nguồn lực đất đai trong xây dựng, phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Bảo vệ quỹ đất nông nghiệp cả về số lượng, chất lượng; chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, thoái hóa đất. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống phá rừng, nâng cao chất lượng rừng; bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy, hải sản, bảo tồn đa dạng sinh học.

    Bảo đảm an ninh, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn nước; khuyến khích phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường; thu hút doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải, chất thải rắn, trước hết là tại các làng nghề, cụm công nghiệp, dịch vụ, khu xử lý rác tập trung.

    Hướng dẫn người dân và doanh nghiệp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; thường xuyên cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng tới từng vùng, địa phương và các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; chủ động phòng, chống thiên tai, sử dụng đồng bộ, hiệu quả các biện pháp công trình và phi công trình; phát huy vai trò của cộng đồng dân cư nông thôn.

    8. Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ

    Chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Thông tin kịp thời các cam kết quốc tế và sự thay đổi chính sách của các thị trường nhập khẩu; triển khai hiệu quả, thiết thực công tác quảng bá, xúc tiến thương mại dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; chủ động phòng, chống gian lận thương mại.

    Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.

    Mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ giống, công nghệ môi trường, tái sử dụng phụ phẩm. Tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

    9. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn

    Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành và địa phương. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, đổi mới phương thức quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

    Phát huy vai trò, tạo điều kiện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp (trong cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất kinh doanh, khoa học - công nghệ; đẩy mạnh các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình văn hóa) và cộng đồng dân cư tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn.

    Phát huy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Hội Nông dân vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 48
  • Hôm nay: 6404
  • Trong tuần: 77,111
  • Tất cả: 11,800,431